Check in 4 cây cô đơn ở Việt Nam
“Cây cô đơn” là từ khóa được rất nhiều người tìm kiếm trên mạng xã hội mỗi khi chuẩn bị cho chuyến du lịch. Những cây cô đơn lẻ bóng nhưng luôn được du khách thích thú, trở thành địa điểm check in cực chất cho dân mê phượt. Sau đây là Top 4 cây cô đơn ở Việt Nam được giới trẻ săn lùng nhiều nhất, đảm bảo đến là thu về vô số ảnh đẹp.
Cây thốt nốt trái tim - An Giang
Thốt nốt là một loại cây đặc trưng nhất của vùng bảy núi An Giang với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Đây có thể xem là một biểu tượng không thể thiếu của người dân An Giang. Từ phần quả, hoa, lá, mầm đến cả thân cây thốt nốt đều có giá trị sử dụng cao.
Một đợt cư dân mạng đã phát hiện ra góc chụp rất thú vị trên cánh đồng lúa ở Tri Tôn, đó là hình ảnh cây thốt nốt trái tim có 1-0-2. Loài cây này vốn đã được coi là biểu tượng của tỉnh, giờ đây lại còn xuất hiện thêm hình thù độc lạ khiến nó nhanh chóng tạo nên cơn sốt lan tỏa diện rộng khắp mặt trận sống ảo An Giang và toàn miền Tây.
Cây cô đơn ở Việt Nam này được tạo thành từ 7 cây thốt nốt xếp chồng vào nhau trông rất đẹp mắt. Chỉ là những cây thốt nốt bình dị khi đứng cùng nhau nhưng không ngờ lại tạo thành hình dạng vô cùng hoàn hảo, lại còn đứng “độc chiếm” một mình một cõi giữa cánh đồng lúa mênh mông cùng với núi non hùng vĩ xung quanh.
Dân tình còn truyền tai nhau rằng, nếu ai đến đây check-in một mình cùng cây cô đơn ở Việt Nam này thì sẽ sớm “thoát ế” và tìm được người mình thương. Nếu ai có đôi có cặp mà đến đây lên hình chung cùng thốt nốt trái tim thì sẽ được hạnh phúc bền lâu, mãi mãi bên nhau.
Cây cô đơn Đà Lạt - Lâm Đồng
Địa điểm du lịch siêu nổi tiếng này tọa lạc tại Ankroet, xã Lát, huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một nơi còn hoang sơ, ít người biết đường đến đây, cảnh vật siêu đẹp, góc nhìn siêu rộng, cắm trại bao đã, chụp ảnh bao ảo nhưng muốn đến được đây các bạn phải chịu khó tìm đường đi.
Cây thông cô đơn Đà Lạt mọc lẻ loi 1 mình trong khung cảnh thiên nhiên xung quanh cực kỳ đẹp. Cả một cánh đồng cỏ mềm tươi xanh mơn mởn, không khí trong lành, bên cạnh là hồ nước trong xanh lặng yên thi thoảng khẽ lăn tăn khi gió thổi, lá rơi. Nhìn từ xa, vị trí cây thông đứng như một bức tranh tự nhiên khổng lồ đẹp hơn vẽ, ai chiêm ngưỡng cũng xiêu lòng.
Theo như chia sẻ của các tín đồ đam mê xê dịch thì thời gian chụp ảnh và ngắm cảnh đẹp nhất chính là vào sáng sớm và chiều tà. Lúc bình minh lên, cả khung trời rực sáng trong xanh, các tia nắng bắt đầu chiếu rọi lên đám cỏ, xuyên qua tán cây thành bức tranh tinh khiết. Chiều xuống hoàng hôn buông thì mặt trời lặn dần, cả bầu trời đỏ rực cực kỳ hấp dẫn.
Đặc biệt nếu bạn đến vào khoảng tháng 11 và 12 thì đó là lúc đồi cỏ hồng cạnh cây thông cô đơn nở rộ khoe sắc thắm. Cả vùng triền đồi rực hồng như trong câu chuyện cổ tích, rất đỗi ngọt ngào, bạn có thể tiện đi thăm thú đồi cỏ và check in sống ảo với những bức hình không thể nghệ hơn.
Cây "Mắt Biếc" - Huế
Ngôi làng Hà Cảng nằm cạnh dòng sông Bồ, cách thành phố Huế chỉ chừng 12 km. Đây là một trong số ít những làng quê Huế đến giờ vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị đậm chất làng quê xưa.
Chính nhờ khung cảnh hữu tình và có chút đượm buồn này, Hà Cảng đã được đạo diễn Victor Vũ lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Mắt Biếc” của mình, đáng chú ý nhất là cây cô đơn rất đẹp.
Sau khi hình ảnh cây cô đơn Huế lên sóng, đã có không ít các bạn trẻ từ các tỉnh, thành phố đổ về khu vực xóm chùa, làng Hà Cảng để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ, độ kỳ vĩ của nó.
Thực chất cây cô đơn ở Việt Nam này được giới trẻ săn lùng nhiều nhất thời gian qua là cây vông đồng cổ thụ. Cộng đồng còn gọi là cây mã đậu hoặc cây ngô đồng. Được người dân trong làng trồng vào năm 1975, ngay bên đường dẫn ra cánh đồng với mục đích làm bóng mát để họ nghỉ ngơi mỗi buổi trưa hè cày cấy.
Trong bộ phim “Mắc Biếc”, đạo diễn Victor Vũ đã chọn đây là nơi để nhân vật Ngạn đánh đàn cho Hà Lan nghe. Hình ảnh hiện hữu bên gốc cây tưởng chừng như rất giản đơn này lại tạo thành một khung trời đầy lãng mạn và thơ mộng.
Đến với làng Hà Cảng, ngoài cây cô đơn du khách còn bắt gặp một khung cảnh rất Huế với những con đường quanh qua len qua từng xóm nhỏ, cánh đồng hay mái trường tiểu học thấp thoáng từ xa xa,… sẽ làm bạn sao xuyến. Nó sẽ trở nên nên thơ hơn khi bạn đến vào giêng hai vì đây là thời điểm lúa xanh rì.
Tuy nhiên sau cơn bão số 5 vừa qua, hình ảnh cây cô đơn trụi lá được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều cành lớn của cây đã gãy, đổ xuống đường. Hình ảnh hiện tại khiến nhiều người không nhận ra đây là toạ độ "sống ảo" siêu hot của giới trẻ. Ai ai cũng hy vọng một thời gian nữa cây lại xanh tốt và nên thơ như bản chất của nó.
Cây thông cô đơn – Đèo Hải Vân
Cây thông cô đơn nằm trên cung đường đèo Hải Vân. Ranh giới giữa địa phận thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Khung cảnh đường đèo quanh co uốn lượn, với một bên núi rừng chênh vênh, cây cối hoang vu và một bên biển cả bao la luôn có sức hấp dẫn với nhiều phượt thủ. Khi lên đến đoạn gần giữa đèo, bạn sẽ thấy bóng dáng của một cây thông cô đơn.
Cây thông cô đơn ở đèo Hải Vân với tán lá xòe rộng một mình đơn lẻ bên đường đã trở thành một tọa độ “sống ảo” lung linh được các phượt thủ cực kì yêu thích. Giữa đường đèo quanh co, uốn lượn, hai bên núi rừng chênh vênh, cây thông vẫn đứng lẻ loi. Tựa như một nét chấm phá thú vị cho núi rừng nơi đây. Khiến bất cứ ai ghé ngang qua cũng phải chú ý tới.
Vào những hôm vượt đèo với tiết trời nắng gắt. Cây cô đơn ở Việt Nam này cũng chính là điểm nghỉ chân mát mẻ. Giúp bạn lấy lại năng lượng để vượt tiếp đoạn đèo còn lại. Từng tán cây vươn mình ra vịnh Lăng Cô, thực sự là địa điểm lý tưởng để bạn lưu lại cho mình những bộ ảnh nghìn like.
Cây thông một mình đứng lẻ loi bên đường, cành lá khẳng khiu. Trông giống như những cánh tay dang rộng lên bầu trời. Bên dưới là biển cả xanh ngát, từng đợt sóng thi nhau vỗ vào bờ. Cây thông vẫn đứng im đó, vẫn trầm mặc, trải qua bao tháng năm làm bạn cùng núi rừng, biển cả. Hình ảnh tuy đơn sơ vậy thôi nhưng tất cả như cùng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời khiến ai ai cũng phải xao lòng.
Nguồn: Sưu tầm