Tìm tour
Tìm tour
Trong nước
Tìm tour
Tìm tour
Nước ngoài
Du lịch
Du lịch
Trải nghiệm
Đặt tour
Đặt tour
Khách đoàn
Tìm kiếm
Tìm kiếm
Booking
Tra điểm
Tra điểm
khách hàng

Chiêm bái Quốc mẫu Tây Thiên, chiêm bái cõi Phật vãn cảnh tiên

Quốc mẫu Tây Thiên là một trong hai vị Quốc mẫu của Việt Nam được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Theo truyền thuyết, Quốc mẫu Tây Thiên có tên thật là Lăng Thị Tiêu - bà là Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, dạy dân trồng lúa, nuôi tằm dệt vải, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Khi mất, bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước.

Với những công lao đó bà được sắc phong là Quốc mẫu Tây Thiên. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu tối linh Đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh mẫu Tứ phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).

Khu di tích danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ có tự ngàn năm nay tại tỉnh Vĩnh Phúc được lập để tưởng nhớ công ơn của bà. Bên cạnh Đền Thượng thờ vị Quốc mẫu Tây Thiên, tại đây còn có nhiều ngôi đền thờ các vị Mẫu thần nổi tiếng cai quản trời, đất, núi, rừng như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Ðịa và Mẫu Thượng Ngàn. Ðây là lý do khu danh thắng Tây Thiên luôn được du khách ví như chuyến về nguồn hoan hỉ: “Đến với Phật, về với Mẫu”.

Nơi đây, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Những người hành hương về đây, vì vậy, luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và sớm thành hiện thực.

Mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về…“Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên, mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về" - Hành trình về nguồn chinh phục đỉnh Tây Thiên có bội phần thú vị khi đồng thời là hành trình chiêm bái cõi tâm linh an yên thoát tục vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp của mây núi. Những lớp mây bảng lảng dạo chơi quanh các đỉnh núi, len lỏi qua mái chùa cong cong, hoặc tạo nên một màn trắng bao phủ khắp cảnh vật đã đủ khiến du khách thấy mình như thể đang lạc bước nơi cõi Phật cảnh tiên.

Trong Kiến Văn Tản Lục của Lê Quý Đôn cũng có đoạn tả về Tây Thiên: “Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng…”.

Không chỉ có cảnh trí gấm hoa và một sự tích mang nhiều ý nghĩa, quần thể di tích danh thắng Tây Thiên còn biết đến là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Trong phạm vi chiều dài 11 km, chiều ngang 1 km của khu di tích tập trung 8 ngôi đền, chùa cổ, nằm ẩn mình dưới những cánh rừng già, thông reo, chim hót, suối chảy róc rách tạo nên một bản hòa ca giữa mênh mang sông núi. Phía dưới Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên là hệ thống đền – miếu cổ tự ngàn đời: Đền Thỏng, đền Cô, đền Cậu, suối Bạc, suối Vàng, suối Giải oan...

Những ngôi sơn tự khi ẩn hiện trong mây, lúc lại trầm mặc dưới ráng chiều, như đưa đường, chỉ lối những người con phương xa đến gần hơn những điều huyền bí và linh thiêng. Đến với Phật là đến nơi an yên, thoát tục, còn về với Mẫu là hành trình về trong lòng mẹ, được mẹ chở che, ban cho yêu thương và mỗi người lại xin gửi gắm ước nguyện cho một năm mới đến, với nhiều sức khoẻ, an yên, công thành, danh toại...

Giờ đây, một mùa Xuân mới lại về với đất trời, với con người, cũng là lúc lòng người lắng lại, muốn quay về chiếc nôi đưa, trở về với nguồn cội, đó cũng là lúc tiếng trống khai hội Tây Thiên vang lên vào dịp Rằm tháng Hai âm lịch.

Hãy một lần, tìm về, hòa vào dòng người, trảy hội Tây Thiên, xem rước kiệu Quốc mẫu và hoạt cảnh mô tả lại truyền thuyết về Quốc mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất non sông…; Hãy một lần, ngồi trong cabin cáp treo lướt trôi trên dòng Thác Bạc, phiêu bồng, lãng du… để một lần cảm nhận Tổ quốc gấm hoa đẹp ngàn đời!

Nguồn: Tuổi Trẻ Thủ Đô