Hòa mình vào lễ hội Cầu Ngư tại bờ biển Khánh Hòa
Hàng năm, từ ngày 11-13/2 Âm lịch, ngư dân làng biển Cửa Bé (Vĩnh Trường, Khánh Hòa) lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu Ngư long trọng và đầy màu sắc với nhiều hoạt động thú vị.
Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải, loài cá voi có thân hình to lớn nhưng bản tính hiền hoà, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển. Tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Quảng Bình trở vào, trong đó đặc trưng nhất là vùng Nam Trung bộ. Ông Nam Hải Ngư còn được dân các tỉnh phía nam gọi là cá Đức Ông, Cá Ông hay Ông Nam Hải.
Khi Cá Ông chết, trôi dạt vào bờ thuộc địa phận của làng biển nào thì làng biển ấy phải tổ chức lễ tang và lập lăng thờ phụng, cúng tế rất nghiêm cẩn. Lễ tế Ông Nam Hải ngày nay thường được gọi là Cầu Ngư.
Lễ hội mang ý nghĩa thờ phụng Cá Ông (Ông Nam Hải), cầu mong mùa đánh bắt bội thu, sóng yên biển lặng, thuyền bè ra khơi an toàn. Những ngư dân tin rằng ngoài việc có sức mạnh phi thường, Cá Ông còn có khả năng thấu hiểu ý nguyện của họ, luôn giúp đỡ và làm điều thiện.
Hoạt động lễ hội bắt đầu từ mờ sáng với nghi thức Nghinh Ông, nghi thức chính và quan trọng nhất. Lễ được thực hiện bài bản nhằm mục đích rước hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về nơi thờ phụng.
Đoàn ghe trong lễ Nghinh Ông di chuyển từ cảng cá ra nơi cửa biển để thực hiện nghi thức kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Các ghe đều được trang trí nhiều màu sắc với cờ lộng bao gồm ghe Lễ Chính, ghe Bá Trạo, ghe Dắt (hay còn gọi là ghe Lân).
Sau nghi thức cúng tế mời Ông Nam Hải về Đình lễ. Đoàn ghe rước quay về cảng cá trong rực rỡ nắng mai cùng với sự chào đón tưng bừng của người dân làng chài Cửa Bé. Đội Bá Trạo hát "Phụng nghinh hồi Đình" trên suốt chặng đường rước Ông về đình Trường Đông.
Từ bao đời qua, đám rước Ông luôn luôn được tổ chức long trọng, gần gũi, thiêng liêng và được xem là một ngày hội lớn đối với người dân vùng biển. Bên cạnh đó, hoạt động hát tuồng cổ truyền thống cũng là một trong những sự kiện được nhiều người mong đợi nhất.
Lễ hội tiếp tục kéo dài 2 ngày sau đó với những hoạt động cúng tế tại đình và các trò chơi dân gian khác nhau, thu hút rất nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận đến tham gia.
Nguồn: Zingnews