NHỮNG ĐẶC SẢN QUY NHƠN THU HÚT DU KHÁCH BẠN NÊN THỬ MỘT LẦN!
Du lịch Quy Nhơn - Phú Yên đã không còn xa lạ gì với những người thích "xê dịch". Để có một chuyến du lịch trọn vẹn, ngoài những tấm ảnh đẹp cùng các điểm đến đặc biệt, thú vị thì những món ăn đặc sản tại địa phương cũng khá quan trọng. Vậy đến Quy Nhơn, khám phá vùng đất thiên đường này, những món ăn nào bạn nên thử một lần? Cùng Du Lịch Tâm Đắc điểm qua nhé?!?
BÁNH HỎI CHÁO LÒNG
Để có một dĩa bánh hỏi ngon đúng vị, bạn nên ăn giữa lòng thành phố Quy Nhơn. Bánh hỏi Quy Nhơn có độ mỏng vừa phải, dai dai và thơm mùi gạo, không có vị chua. Người ta tách bánh hỏi ra từng miếng mỏng rồi rắc hẹ sẻ thoa hành đều.
Một phần bánh hỏi cháo lòng dọn ra bao gồm một dĩa lòng xắt nhỏ còn bốc khói nóng hổi bên trên có vài cọng hành còn nguyên củ đã hấp chín, rắc thêm ít tiêu hạt, một dĩa bánh hỏi, một dĩa rau thơm, một tô cháo, bánh tráng và nước mắm.
Người Quy Nhơn có thói quen ăn bánh hỏi chung với cháo lòng lại mang cho món bánh hỏi một vị rất mới mà bạn chắc chắn sẽ thích mê. Để có thể thưởng thức bánh hỏi cháo lòng đúng cách, bạn chỉ việc lấy một miếng bánh hỏi kẹp thêm lòng heo chấm chút nước mắm pha ớt và cho vào miệng, ăn kèm rau để cảm nhận được trọn vẹn cái hồn của món ăn. Một phần bánh hỏi đầy đủ không thể thiếu chén cháo lỏng sóng sánh. Bạn có thể ăn song song hoặc dùng xong bánh hỏi thì húp một ngụm cháo nóng.
BÁNH XÈO TÔM NHẢY
Khi ra Quy Nhơn, chắc chắn bạn nên ăn một lần món bánh xèo tôm nhảy tại đây. Với chiếc bánh tràng dày cuộn cùng bánh xèo màu vàng, kẹp thêm chút xoài chua, rau mầm và tôm tươi, chấm một chút mắm nêm đặc trưng và bạn sẽ hiểu tại sao món bánh xèo tôm nhảy nơi đây lại hút khách đến vậy.
Tại sao lại gọi là bánh xèo tôm nhảy? Theo người dân ở đây cho biết, để làm món bánh xèo tôm nhảy này, những con tôm tươi còn "nhảy" được thả vào chảo nóng phát ra âm thanh "xèo, xèo" vui tai. Sau đó, người nấu rưới một lớp bột đã pha sẵn và cho thêm hành giá lên trên. Từ những điều đơn giản đó mà món bánh xèo tôm nhảy ra đời đấy!
Tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, bạn không khó để tìm thấy các quán bánh xèo tôm nhảy với giá từ 20.000 đồng một chiếc. Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo là quán bà Năm Mỹ Cang, quán Gia Vỹ, quán ông Hùng, quán Anh Vũ.
BÁNH ÍT LÁ GAI
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân "xứ nẫu", sử dụng nhiều trong những ngày giỗ, lễ như cưới hỏi.
Bánh ít lá gai Bình Định dẻo, thơm, ăn không dính răng, là sự hòa quyện của đường cát, bột nếp, đậu xanh, dừa và gừng. Bánh thường bọc bên ngoài bằng lá chuối, gói thành hình tam giác cân đều đặn.
Trong năm 2019, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Tổ chức kỷ lục Việt Nam đề cử ba đặc sản của địa phương gồm bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa và nước mắm Đề Gi tham gia hành trình tìm kiếm và quảng bá đặc sản Việt Nam. Trong đó, bánh ít đang được tỉnh này đăng ký nhãn hiệu tập thể và xây dựng thành thương hiệu "Bánh ít lá gai Bình Định".
CHẢ TRÉ RƠM
Chả tré rơm là một đặc sản Bình Định mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Tré được làm từ tai heo, đầu heo, ba chỉ cùng nhiều gia vị như riềng, mè, thính, ớt, tỏi... Trộn đều và gói lại trong lớp lá ổi non và lá chuối, cuốn thật chặt tay, sau đó bọc bên ngoài bằng lớp rơm dày, bó chặt hai đầu bằng lạt.
Tré có thể dùng như món khai vị trong các bữa tiệc, trên bàn thờ gia tiên hoặc trong bữa nhậu hàng ngày của dân địa phương. Món ăn có vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và thơm nhẹ mùi rơm mới. Bạn chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài là có thể ăn ngay hoặc đánh tơi các miếng thịt bên trong, cuốn bánh tráng và rau sống cùng đồ chua, chấm nước mắm tỏi ớt hoặc mắm nêm là có thể thưởng thức trọn vẹn món ăn độc đáo này. |
BÁNH TRÁNG NƯỚC DỪA
Bình Định có nhiều nơi làm bánh tráng nước dừa, song Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) là địa phương làm bánh tráng nước dừa ngon có tiếng. Bánh tráng Tam Quan có kích thước to, dày, gồm bột gạo xay trộn với nước cốt dừa, dừa nạo, mè, tiêu, hành tím và muối hạt, sau đó tráng trên khuôn to, xong đem phơi dưới nắng. Để ăn được bánh tráng nước dừa, bạn cần nướng kỹ trên lửa hồng, trở qua trở lại để bánh giòn đều mà không bị cháy. Không thể nhúng nước như những bánh tráng khác vì thức quà đặc sản Quy Nhơn này khá dày và có kích thước lớn.
Bạn có thể đêm đặc sản Quy Nhơn này về làm quà cho gia đình, bạn bè nhân dịp du lịch Quy Nhơn.
BÁNH HỒNG
Bánh Hồng Tam Quan là một thức quà nhỏ của vùng đất Quy Nhơn. Bánh hồng được làm từ bột nếp, đường và dừa sợi. Riêng về nếp, người làm bánh phải dùng nếp ngự thì thành phẩm mới có độ mềm dẻo ưng ý.
Món bánh này được xuất hiện nhiều trên những mâm quà cưới hỏi hay các môm cỗ theo truyền thống từ trước tới nay của ông bà ta để lại. Bạn có thể mua món đặc sản Bình Định này về và làm quà cho gia đình mình trong những chuyến du lịch đến "xứ nẫu".
NEM CHỢ HUYỆN
Nem chợ Huyện có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Nem ngon do cách chế biến và từ nguồn thịt heo được nuôi dân dã.
Ngoài ăn tươi, bạn cũng có thể đem nướng nem trên than, ăn kèm với bánh tráng, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế cắt nhỏ, dưa leo, nước chấm, tỏi và ớt. Nem ngon hơn khi ăn cùng nước mắm loãng pha với đậu phộng giã nhỏ, thêm đường và tỏi, ớt tạo nên chén nước chấm sánh sệt, đặc trưng.
RƯỢU BÀU ĐÁ
Rượu Bàu Đá - một đặc sản đã làm nên thương hiệu cho "xứ nẫu" với danh xưng "Thiên hạ đệ nhất danh tửu" và đã trở thành Quốc Tửu của Việt Nam.
Rượu Bàu Đá có nồng độ cao (từ 50-54 độ), uống nhanh say nhưng không nhức đầu.
Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, tỷ lệ men, dụng cụ nấu và kinh nghiệm gia truyền. Rượu khi nấu phải dùng nồi đồng, nắp đậy bằng đất nung, cất rượu bằng ống tre, chưng lửa nhỏ mới vắt cạn được tinh chất gạo. Rượu Bàu Đá là một trong số đặc sản được nhiều người tìm mua khi đến Bình Định.
DU LỊCH TÂM ĐẮC - HẠNH PHÚC LÀ NHỮNG HÀNH TRÌNH!
Nguồn: Tổng hợp.