Tìm tour
Tìm tour
Trong nước
Tìm tour
Tìm tour
Nước ngoài
Du lịch
Du lịch
Trải nghiệm
Đặt tour
Đặt tour
Khách đoàn
Tìm kiếm
Tìm kiếm
Booking
Tra điểm
Tra điểm
khách hàng

Top 6 món ngon từ hải sản là đặc sản miền Trung

Bún sứa Nha Trang

Nha Trang được nhiều người biết đến bởi những vẻ đẹp tự nhiên với những bờ biển xanh trải dài, con người thân thiện. Ngoài ra, thành phố này còn nổi tiếng từ các món ăn dân giã, bình dị. Trong các món ngon Nha Trang, thực khách thường kể đến món bún sứa mang hương vị đặc trưng của vùng biển này.

Món ăn này sẽ giúp cho chuyến du lịch Nha Trang của bạn thêm trọn vẹn. Vào mùa hè, bún sứa rất bổ dưỡng và có công dụng giải nhiệt cao. Có thể nói, bún sứa là món ăn đặc sản miền Trung mà du khách có thể tìm thấy ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Món bún sứa xuất hiện ở mọi ngõ ngách trong thành phố, bên bờ biển. Cụ thể, bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin – Bà Triệu…

Để chế biến món đặc sản miền Trung này, người làm không cần quá kỳ công hay mất nhiều thời gian. Nguyên liệu đều mang đậm hương vị biển, chính vì vậy, món ăn rất hạn chế dùng gia vị mà đều có sẵn độ mặn, ngọt của các loại hải sản. Nước dùng của bún sứa cũng trong veo từ cá, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.

Khi thưởng thức bún, chủ quán sẽ trần bún qua nước sôi, cho vào bát, thêm những miếng sứa trong vắt giòn lên trên, một vài miếng chả cá, chan cùng nước lèo thơm lừng nóng hổi, điểm tô thêm vài cọng giá đỗ trắng, cùng một chút rau xanh. Chỉ cần nhìn tô bún bốc hơi nghi ngút, thực khách sẽ muốn được thưởng thức ngay.
 Khi thưởng thức món bún sứa Nha Trang, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt thơm, đậm đà của cá thu, cá nhồng, sứa và nước lèo. Khi ăn hết tô bún, mồ hôi toát ra, bạn sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng như xua tan cái oi bức, nóng nực của mùa hè.

Không chỉ người dân Nha Trang mà ngay cả du khách cũng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của tô bún sứa bình dị, dân dã. Bởi chính sự đơn giản trong cách chế biến, bún sứa trở thành món ăn đặc trưng cho ẩm thực của Nha Trang. Thực khách đến và thưởng thức món ăn Nha Trang ngon tuyệt qua tô bún chính là giữ lại hương vị biển mặn mòi một cách trọn vẹn nhất.

Ốc lễ Đà Nẵng

Cứ đến độ tháng Giêng trở đi, là ốc lễ xuất hiện, và kéo dài trong độ chừng 3 tháng. Những con ốc chỉ bé bằng đầu ngón tay với đủ màu sắc sặc sỡ là sản vật đặc biệt từ biển, được người dân nâng niu như món quà của mẹ Thiên nhiên ban tặng cho mình.

Có theo người đi cào ốc lễ mới cảm nhận được hết cái vất vả nhọc nhằn của công việc này. Người ta thường đi vào lúc khuya, ngâm mình trong làn nước biển đêm trên những vùng biển nước khá sâu mới lấy được những con ốc như ý.

Rồi sau khi mang về được các mẹ các bà ngâm, đãi sạch cát, chế biến sao cho thật thơm ngon, bắt mắt, là kế sinh nhai của cả một gia đình nghèo ven biển những ngày đầu năm. Bởi vậy, ốc lễ Đà Nẵng là món quà quý của biển, được người dân trân trọng, không chỉ bởi hương vị hay sự đặc trưng mà còn bởi giá trị và ý nghĩa kinh tế của nó.

Dạo quanh những con đường chạy dọc các ngôi chợ nổi tiếng của Đà Nẵng vào mùa ốc lễ, người ta cảm được cái hương, cái sắc của ốc, và dù chưa biết ngon dở ra sao, hợp vị thế nào cũng muốn mua ngay cho mình một lon ốc về “lễ thử”.
Đặc sản miền Trung này bán theo lon, tầm giá 20.000 đồng cho một lon ốc. Mà kể cũng lạ, trong khi các loại ốc khác được xào, được nấu sẵn đượm vị cay nồng thì ốc lễ với cái đặc trưng tùy nghi chế biến của người ăn lại hấp dẫn lạ kỳ.

Mua một lon ốc, người bán sẽ bỏ kèm chút mắm gừng, chút muối đặc trưng được chăm chút thật kỹ. Rồi nêm nếm làm sao cho thật vừa vị mình ăn. Ốc lễ được yêu thích bởi chiều lòng người ăn như thế.

Nhưng ốc lễ còn ngon hơn bởi tính cộng đồng. Người ta ít khi mua ốc về tự ăn một mình, mà thường mua về quây quần tụ tập để kể nhau nghe những câu chuyện nhỏ nhỏ bên bát ốc dần vơi. Những chiếc gai cùng đôi bàn tay cứ thoăn thoắt qua lại trên tô ốc, cùng câu chuyện rôm rả của các bà, các mẹ cứ thế đi vào ký ức con thơ, để rồi lớn lên cùng món ốc lễ dân dã quê nhà.

Bún giấm nuốc Huế

Bún giấm nuốc là một món ăn mang đậm chất Huế. Vào mùa hè, nếu có dịp du lịch Huế nhất định bạn không nên bỏ qua. “Nuốc” là tên gọi theo phương ngữ về con nuốc – là một loài nhuyễn thể không chân chỉ có nhiều vào mùa hè tại các vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh. 

Cứ mỗi độ vào mùa hè, nuốc thường nổi thành từng mảng dày, những người ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán nhiều ở các chợ đầu mối. Nuốc được chia làm 2 phần gồm tai và chân.

Phần tai rất thích hợp để kẹp với các loại rau sống chấm với ruốc hoặc làm gỏi. Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến chân nuốc, giòn giòn, sần sật – làm nên linh hồn của món ăn trứ danh: Bún giấm nuốc.

Nuốc chân mua về sẽ được ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo được độ giòn. Lúc gần ăn thì vớt ra để ráo, càng ráo thì càng ngon. Đặc sản miền Trung này ngon là nhờ vào phần nước lèo ăn kèm.

Phần nước này được làm từ những con tôm còn tươi vẫn còn nhảy tanh tách, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa lại đuôi cho đẹp mắt. Sau đó nêm đầy đủ gia vị cho thấm.

Thịt ba chỉ sẽ được cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho thịt tôm thấm rồi châm thêm nước dùng.

Nêm nước dùng vừa khẩu vị rồi cho cà chua bi vào để sôi vài dạo rồi tắt bếp. Màu cam từ gạch tôm hòa với màu đỏ của cà chua sẽ tạo nên một hỗn hợp nước lèo sanh sánh rất riêng.

Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm đậu phộng rang vàng giã dập, bánh tráng mè nướng, mắm ruốc, thêm vài trái ớt xanh mới thật đúng điệu.

Lấy một cái tô vừa dùng, cho các loại rau sống vào trước tiên, sau đó bún tươi cọng nhỏ, chan nước lèo vào xăm xắp, cho thêm ít hành ngò, rải đậu phộng rang lên nêm một chút ruốc, chút ớt sa tế và trên cùng, đừng quên cho vào dăm bảy chân nuốt.

Món bún ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện cái beo béo của bánh tránh, đậu phụng, đặc biệt vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng hứa hẹn sẽ là món khó quên.

Món bún rạm Bình Định

Với mỗi vùng miền khác nhau sẽ lưu giữ cho mình những nét văn hóa và nền ẩm thực riêng biệt. Đặc sản Bình Định vốn đã rất nổi tiếng với nhiều món ngon như nem Chợ Huyện, bún chả cá Quy Nhơn, bánh hỏi cháo lòng… và còn đặc biệt hơn là món bún rạm, là món ăn quen thuộc dân dã của người dân xứ Nẫu.

Để có tô bún rạm Bình Định thơm ngon hảo hạng, công đoạn làm bún cũng khá công phu. Hầu hết các quán bún rạm ở đây đều có một điểm chung là tự làm bún.

Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon từ những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi ngâm nước, xay nhuyễn, gút qua túi vải, luộc sơ và để sẵn. Khi có khách, người bán chế biến bún tươi trong nồi nước sôi ngay tại chỗ, nên tô bún múc ra còn nóng hôi hổi, có cả bún và nước luộc bún mới ngon.

Hòa trong cái vị ngon nguyên chất của bún tươi, con rạm nấu bún nhất thiết phải là loại rạm tươi ngon, không qua ướp đá lạnh, thân tròn, càng to, thịt chắc, gạch nhiều được bắt từ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng của huyện.

Rạm bắt về ngâm nhiều nước cho sạch bùn đất rồi tách mai lấy gạch, xay nhỏ, lọc lấy nước, nấu trên lửa liu riu. Khi chín, nước rạm sánh lại sền sệt, nổi những váng mỡ màu vàng đặc cả nồi nước.

Món đặc sản miền Trung này là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Trên bề mặt tô bún còn bốc hơi nghi ngút có những váng rạm vàng ươm, thơm nức mũi.

Khi ăn bún rạm, ta có thể cho thêm ít chanh, ớt, vài hạt đậu phộng và rau sống. Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng gạo nướng dày cộm, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị.

Và cứ thế bưng tô lên, vừa húp vừa ăn nóng hôi hổi, ăn ngon lành đến vã mồ hôi, ăn một tô rồi tiếp một tô nữa mới cảm nhận hết được độ thơm ngon của hương vị rạm miền quê.

Tôm chua Huế

Nhắc đến các món ăn bình dị nhưng vô cùng nổi tiếng ở xứ Huế mộng mơ thì người ta sẽ không thể quên được hương vị của món tôm chua. Tôm chua ở Huế đặc trưng nhờ vị chua thanh, cay nồng và mằn mặn rất lạ miệng.

Cái vị đặc biệt này của tôm chua khiến nhiều du khách mới thử ăn một lần đã nhớ mãi không quên được. Nhưng hóa ra, phần nguyên liệu để làm nên món đặc sản miền Trung này lại không hề đơn điệu chút nào.

Để làm được một hộp tôm chua ngon thì tôm phải là tôm tươi bắt ở vùng nước ngọt như sông, suối, đồng ruộng và tôm chỉ nhỏ cỡ 2 đốt ngón tay chứ không cần quá to.

Bên cạnh đó, khi bắt đầu làm tôm chua thì phải xử lý tôm kỹ trước. Đầu tiên, người ta sẽ cắt bỏ đầu tôm, ngâm trong phèn chua và rượu trắng hai lần để tôm được khử sạch. Các nguyên liệu đi kèm cũng được sơ chế sạch sẽ rồi trộn đều cùng một số loại gia vị, đặt vào trong hộp đợi khoảng 1 tuần là dùng được.

Đặc biệt hơn, muốn tôm chua ngon thì người Huế còn dùng vại sành để đựng và đặt ở nơi có nắng ấm khoảng 3 ngày mới cất vào chỗ thoáng mát. Một số người còn cầu kỳ hơn thì chôn hẳn xuống đất để giữ nhiệt độ ổn định, giúp quá trình lên men tốt hơn. Nhờ đó, món tôm chua khi hoàn thành vẫn giữ được vị thơm ngọt hài hòa.

Sau khoảng 1 tuần, tôm đã chín và có màu đỏ bắt mắt, hòa quyện với hỗn hợp sền sệt có màu cam nhẹ. Lúc này, bạn sẽ thấy món tôm chua xuất hiện trong các bữa cơm, ăn với bánh tráng, thịt luộc hoặc chấm cùng rau củ. 

Bánh canh cá lóc Quảng Trị

Nổi tiếng là một món ăn đặc sản miền Trung từ lâu đời, nó không giống bất cứ loại cháo nào vì nó không dạng hồ sền sệt mà lại là sợi bánh canh làm từ bột gạo vừa ngon mềm ướp đậm hương cá lóc thơm ngọt.

Khi đến với Quảng Trị bạn có thể thưởng thức bánh canh này quanh năm, những quán ăn bán món bánh canh cá lóc này luôn thu hút một lượng lớn khách cũng chẳng quản ngày nắng hay mưa.

Cá lóc lại là một loại cá nổi tiếng bổ dưỡng, không độc và cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển của cơ thể với nhiều vitamin và khoáng chất. Chúng còn được biết đến như loại thực phẩm quý giúp ngăn ngừa một số bệnh nan y, vô cùng tốt cho những người có sức khỏe kém vừa mới ốm dậy.

Ở vùng Hải Lăng của Quảng Trị thì món bánh canh này được nấu hơi khác một chút, bánh canh được nhào chín rồi cắt sợi và được đem nấu ngay từ đầu chứ không cần phải được trụng lại sau đó.

Bánh dai dai và thơm nồng từng sợi bánh. Củ nén cũng là một loại củ đặc biệt được cho vào bánh canh khi nấu, chúng cay nồng, giống củ hành và nhỏ củ, màu trắng cũng rất nức mũi với hương vị lạ ấy.

Bánh canh cá lóc nóng hôi hổi với từng sợi bột gạo dài thuôn và mịn, cá lóc được chiên qua và nấu cùng nước hầm đậm vị vừa ngậy vừa ngon, nước canh vừa ăn cũng có vị cay của bột ớt cùng với hành lá xanh mát mắt vô cùng dậy mùi. Chúng kích thích vị giác và khứu giác một cách mạnh mẽ nhất, thêm với đó tùy từng mùa chúng ta còn được ăn thêm chút lá nén đã ngon lại càng ngon.

Nói đến dải đất miền Trung là nhớ đến hình ảnh người dân vất vả lam lũ, một nắng hai sương, nhớ những bãi biển trong xanh xa tít tắp nhớ đến cả những món đặc sản miền Trung quá đỗi phong phú và đa dạng. Hãy ghé thăm miền Trung ít nhất một lần để thưởng thức những món ăn ngon từ hải sản gây thương nhớ với những cảm xúc khó phai nhòa này!

Nguồn: Sưu tầm