Tứ trấn Thăng Long
Mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến với biết bao vẻ đẹp làm xao động lòng người, từ những vẻ đẹp hết sức bình dị, cổ kính của những ngôi chùa đến những công trình kiến trúc đồ sộ từ lịch sử xa xưa đến nay vẫn còn vẹn nguyên bao giá trị vẻ đẹp của nó. Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là nơi giao thoa, hội nhập của biết bao nền văn hóa khác, nơi in dấu biết bao công trình văn hóa lịch sử mang đậm nét Việt thời xa xưa.
Trong bao vẻ đẹp đó, có những địa danh dường như đã trở thành nơi in dấu bao vẻ đẹp linh thiêng của chốn kinh kì về một Thăng Long thời xưa, đó là những vẻ đẹp của một “Tứ trấn Hà Nội” mang đậm nét văn hóa lịch sử, là biểu tượng của Thăng Long nghìn năm văn hiến
“Tứ trấn” được xây dựng từ rất sớm, gắn liền với việc ra đời kinh đô Thăng Long thời nhà Lý từ những năm 1010. Thăng Long tứ trấn trải quá nhiều thời kỳ còn được tôn là “Thượng đăng phúc thần”. Vào thời kỳ đó Tứ Trấn Thăng Long là nơi diễn ra các lễ hội Xuân, là nơi nhà vua chọn đến để dâng hương những ngày đầu năm. Và có lẽ cũng từ đó, truyền thống này được tiếp nối cho đến tận ngày nay.
Tứ trấn thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía: đông, tây, nam, bắc của thành Thăng Long từ ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, theo dân gian, người khai sáng Thăng Long - Vua Lý Thái Tổ - vốn là một võ tướng, có lẽ vì vậy mà cả 4 vị thần trấn giữ Thăng Long đều là võ thần chứ không phải văn thần.
Hãy cùngTâm Đắc tìm hiểu về “Thăng Long Tứ trấn” linh thiêng trên mảnh đất Thăng Long kình kỳ nhé!
Trấn Đông: Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã xưa thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần bảo hộ của Kinh Thành trấn giữ hướng Đông. Ngài là vị thần thiêng, được chúng dân thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng, kính phục.
Với quy mô bề thế trên diện tích hơn 500m2, di tích lịch sử đền Bạch Mã không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn sở hữu nét kiến trúc điêu khắc đặc sắc từ thời Lý, Trần mang tính nghệ thuật cao và lưu giữ những tư liệu quý giá về lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Đền Bạch Mã là một công trình đồ sộ, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn được gìn giữ và bảo quản khá tốt. Hiện nay trong đền vẫn còn lưu giữ được hơn 15 tấm bia ghi chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái cũng như lịch sử các lần trùng tu tôn tạo.
Hội Đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13/2 Âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động như dâng hương, tế lễ, múa sư tử và biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn,…
Đền được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 12/12/1986.
Trấn Tây: Đền Voi Phục
Đền Voi Phục còn có tên là Thủ Lệ hay Linh Lang do thờ thần Linh Lang Đại Vương. Đền nằm phía Tây kinh thành Thăng Long cũ, tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội.
Được xây dựng vào năm 1065 của thời nhà Lý và trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang – Hoàng tử thứ 4 của vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 đã có công đánh giặc giữ nước. Sở dĩ đền còn có tên gọi là đền Voi Phục vì phía trước đền có đắp hai con voi quỳ gối, tương truyền khi hoàng tử Linh Lang đi đánh giặc thì có con voi quỳ xuống thuần phục người đưa hoàng tử lên trên vành voi để ra đánh giặc, con voi nó biết coi trọng người tài giúp nước, biết phục xuống đưa lên bởi vậy mới có hình ảnh hai con voi quỳ phía trước cổng đền và được người dân gọi là đền Voi Phục.
Lễ hội đền Voi Phục tổ chức vào ngày mùng 9 đến 11/2 âm lịch hàng năm.
Đền được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 28/4/1962.
Trấn Nam: Đền Kim Liên
Đền Kim Liên còn gọi là đền Cao Sơn, đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn.
Được xây dựng vào thế kì 16-17, đền Kim Liên là ngôi đền trấn giữ bảo vệ kinh thành ở phía Nam và là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền Kim Liên đã được sửa chữa, tu tạo lại. Sau này đền được bổ sung thêm cổng tam quan và các kiến trúc mới tạo nên đình Kim Liên. Các công trình trong đền được trang trí với các hoạ tiết và hoa văn công phu, sinh động mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ những tấm bia đá mang nhiều giá trị lịch sử đặc sắc.
Lễ hội đền Kim Liên mở vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.
Đền được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 09/01/1990.
Trấn Bắc: Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh còn gọi là đền Trấn Vũ, nằm ở ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Theo tư liệu cũ, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.
Kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật cao với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo trong một không gian bố cục hài hoà. Nổi bật nhất trong đền là tượng Trấn Vũ uy nghiêm được đúc bằng đồng đen với chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn. Tượng Trấn Vũ đã thể hiện nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng độc đáo cũng như khẳng định sự tài hoa và khéo léo của những nghệ nhân Hà thành cách đây ba thể kỷ.
Trong đền còn có quả chuông đồng trên gác tam quan với tiếng ngân khi đánh lên đã đi vào lòng người dân Việt Nam: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.
Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm.
Đền được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa ngày 28/4/1962.
Nguồn: Sưu tầm